Phân Loại | Size Ren | Loại Ren | Tổng Chiều Dài | Giá |
---|
Bạn chưa tìm được sản phẩm? Tìm thêm qua bộ lọc sản phẩm.
Mũi taro hệ inch (là loại taro máy) sử dụng gia công lỗ ren theo tiêu chuẩn USA. Kích thước mũi taro hệ inch cũng phân biệt theo đường kính ren và bước ren UNC (Ren Thô) hoặc UNF (Ren Mịn).
Mũi taro hệ Inch là công cụ được sử dụng để tạo lỗ ren trong các vật liệu có độ cứng khác nhau, như kim loại, gỗ, nhựa hoặc các loại vật liệu khác. Quá trình tạo lỗ ren thực hiện bằng cách cắt ren vào vật liệu để tạo ra một mối ghép ren với kích thước được đo bằng hệ đo lường sử dụng đơn vị Inch được định sẵn trên dụng cụ taro ren.
Ren hệ Met thông thường và ren hệ Inch
Phân loại ren theo hệ đo lường thì chia ra làm 2 loại chính: ren hệ Met và ren hệ Inch.
+ Ren hệ met à một trong những loại ren đầu tiên được chấp nhận theo tiêu chuẩn quốc tế và được sử dụng phổ biến trên thế giới. Profile của ren hệ met là dạng tam giác đều có đỉnh ren là góc 60° và bước ren được tính bằng đơn vị milimet.
+ Bước ren là khoảng cách của 2 đỉnh ren gần nhất, bước ren ở ren hệ met được chia làm bước thô và bước nhuyễn (bước mịn hay tinh). Ren có bước ren thô được dùng trong các ứng dụng cơ bản thông thường không cần độ chính xác cao, bước ren nhuyễn (tinh) được dùng trong các ứng dụng cần độ chính xác mối ghép và khả năng kẹp chặt cao.
+ Sử dụng hệ đo lường là đơn vị inch (với 1 Inch = 25.4 mm)
+ Cách xác định ren ở Ren hệ inch cơ bản là dựa trên kích thước đường danh nghĩa và số ren có trên mỗi inch.
Hiện tại trên thế giới có các loại ren tiêu chuẩn hệ Inch phổ biến được sử dụng chẳng hạn như: Các loại ren UN; Ren Whitworth; các loại ren ống tiêu chuẩn Anh, Mỹ, Nhật,… cùng tìm hiểu về các loại ren hệ Inch này.
Ra đời sau thế chiến 2, nhằm mục đích tiêu chuẩn hóa và tăng cường khả năng lắp lẫn ren giữa ba nước Mỹ, Canada và Anh cũng như khắc phục một số hạn chế trong phương pháp gia công ren. Có profile ren dạng tam giác có góc ở đỉnh 60° tương tự như ren hệ met.
Đối với ren hợp nhất (Unified Thread – UN) phân ra 3 cấp độ dung sai (1, 2, 3) để đánh giá độ chính xác của ren về hình học, vị trí và khe hở khi lắp ghép. Thêm vào chữ “A” để chỉ ren ngoài, chữ “B” để chỉ ren trong.
– 1A, 1B: có khe hở lắp lớn nhất, thường dùng trong những môi trường có nhiều bụi bẩn
– 2A, 2B: khe hở trung bình và được dùng phổ biến nhất trong các mối ghép bằng bulong và vít
– 3A, 3B: có độ kín khít cao nhất, dùng cho những mối ghép chính xác cao.
Ren hợp nhất (Unified Thread – UN) được chia làm các loại chính:
1.1. UNF - Unified Fine Thread
UNF là loại ren bước mịn, được dùng cho những mối ghép yêu cầu độ bền cao hoặc những mối ghép có thành mỏng và khoảng lắp ghép ngắn. Nhờ góc nâng ren nhỏ, ren UNF còn được sử dụng trong những trường hợp cần điều chỉnh chiều dài làm việc của ren.
1.2. UNC – Unified Coarse Thread
UNC là loại ren bước thô được dùng rộng rãi nhất cho các mối ghép có độ bền kéo thấp và yêu cầu tháo lắp nhanh trên các loại vật liệu có độ bền thấp như gang, thép ít carbon, đồng, nhôm.
Ví dụ giải thích một số kí hiệu ren UN - Unified Thread thường gặp:
3/8 – 16 UNC 2B LH (21)
+3/8: Đường kính danh nghĩa của ren là 3/8 inch
+16: có 16 ren trên 1 inch
+UNC: ren bước thô
+2B: ren lỗ có dung sai cấp 2
+LH: ren trái (ren phải không cần ghi)
+(21): kí hiệu liên quan đến việc đo kiểm ren theo tiêu chuẩn ASME/ANSI 1.3M của các loại ren UN
1.3. UNEF - Unified Extra Fine Thread
UNEF là loại ren bước cực mịn, được dùng khi chiều dày mối ghép nhỏ hơn chiều dày mối ghép bằng ren UNF.
Ngoài ra, để giảm ứng suất tập trung, đáy của ba loại ren này được bo tròn và cho ra đời dạng ren UNR với kí hiệu tương ứng là UNRC/UNRF/UNREF. Bulong của ba loại ren này vẫn dùng đai ốc UN.
1.4. UN series – Constant Pitch series
Là loại ren có bước không đổi, được dùng khi các dạng ren UNC, UNF và UNEF không đáp ứng được các yêu cầu kĩ thuật khi thiết kế. Bao gồm 8 kiểu với số ren trên 1 inch lần lượt là 4, 6, 8, 12, 16, 20 ,28 và 32
1.5. UNS – Unified special
UNS là loại ren đặc biệt, ở kiểu ren này thì sự kết hợp giữa đường kính ren và số ren trên 1 inch không có ở những tiêu chuẩn kể trên. Không nên dùng kiểu ren này trừ khi có những yêu cầu khắc khe về mặt kỹ thuật trong thiết kế.
2. Ren Whitworth
Đây là loại ren do Sir Joseph Whitworth phát minh vào khoảng giữa thế kỉ 19. Trước kia được sử dụng phổ biến ở Anh, nhưng sau khi Anh thống nhất với Mỹ và Canada để ban hành tiêu chuẩn ren UN (Unified Thread) thì nó hầu như chỉ còn dùng trong việc chế tạo những linh kiện thay thế.
Đặc trưng cơ bản của loại ren Whitworth là profile ren được bo tròn ở cả đỉnh và đáy ren, dùng góc đỉnh ren là 55° thay vì 60° như những loại ren khác.
Bên cạnh các loại ren hợp nhất UN hoặc ren Whitworth vừa nêu trên, ren sử dụng hệ đo lường đơn vị Inch còn thấy được ở các loại ren ống, phổ biến là các loại ren ống tiêu chuẩn Anh, Mỹ và Nhật.
3. Ren ống Anh
Ren ống của Anh (British Standard Pipe – BSP) sử dụng profile của ren Whitworth nên góc ở đỉnh là 55° và được bo tròn ở cả đỉnh và đáy ren, là loại ren đã trở thành tiêu chuẩn chung và được sử dụng rộng rãi trên thế giới, khá là phổ biến tại các nước châu Âu.
Có 2 loại chính:
+ Ren ống thẳng BSPP (British Standard Pipe Parallel)
+ Ren ống côn BSPT (British Standard Pipe Taper Thread)
4. Ren ống của Mỹ
Mỹ sử dụng ren ống theo hệ thống tiêu chuẩn American National Standard Pipe Threads, có khác biệt cơ bản với ren ống BSP của Anh là sử dụng profile có góc ở đỉnh 60°, khác với ren ống của Anh thì ở hình dạng phần đỉnh và chân không phải dạng bo tròn mà có dạng phẳng hoặc nhọn.
Được chia làm 2 loại chính theo đường kính ren, bao gồm:
+ Ren ống thẳng NPS – National Pipe Straight
+ Ren ống côn NPT – National Pipe Taper
5. Ren ống Nhật
Cơ bản thì ren ống Nhật là tương tự với ren ống của Anh, chúng có cùng hình dạng profile ren với nhau, đồng nghĩa việc chúng có thể lắp lẫn phù hợp với nhau. Bên cạnh việc vẫn được sử dụng rộng rãi tại các nước Châu Âu thì thường cũng được sử dụng nhiều tại các nước Châu Á như Nhật Bản ,Trung Quốc, Hàn Quốc.
Ren ống tiêu chuẩn Nhật có 2 loại chính là: Ren ống thẳng – PF ( PF=BSPP) và Ren ống côn – PT (PT=BSPT).
Đặc điểm của Mũi taro hệ Inch
Mũi taro hệ inch là công cụ quan trọng trong quá trình tạo lỗ ren trong trên các loại vật liệu, để lắp đặt các ren hoặc vít khác nhau có kích thước theo hệ đo lường đơn vị inch.
Cấu tạo
Mũi taro hệ Inch cũng có cấu tạo tương tự như các loại mũi taro khác gồm:
+ Phần đầu: có chứa ren để gia công cắt ren trên vật liệu và có các rãnh để chứa và đưa vật liệu phoi thoát ra ngoài.
+ Phần thân (cán): nối liền với phần đầu và chuôi, thường có ghi tên thương hiệu hay các thông số của mũi, có tiết diện tròn để kẹp chặt vào mâm cặp trên máy gia công.
+ Chân (chuôi): thường thì chuôi taro làm theo dạng lục giác hay hình vuông để giúp kết hợp cùng tay quay taro hoặc khóa, kềm để sử dụng taro thủ công.
Các thông số cần lưu ý khi lựa chọn mũi taro hệ Inch
Các tiêu chí về ren được tạo ra như:
+ Tiêu chuẩn ren: các loại mũi taro hệ Inch có các loại ren phổ biến thường thấy như UNC, UNF, UNEF, BSPT, NPT, Whitworth,…
+ Hướng ren: gồm có mũi taro ren phải (thường được sử dụng hơn) và mũi taro ren trái.
+ Bước ren: Mũi taro bước chuẩn và mũi taro bước nhuyễn, ở hệ Inch thì chú ý bước ren ở loại UNC (bước thô) và UNF (bước mịn) hay UNEF (bước cực mịn), và thường bước ren dựa trên số ren có trên một inch.
Các tiêu chí về kích thước:
+ Đường kính mũi: là đường kính ngoài hay size của lỗ ren cần tạo ra trên vật liệu.
+ Đường kính cán: là đường kính phần thân mũi taro, phù hợp với kích thước với mâm cặp trên các máy gia công.
+ Chiều dài ren: là chiều dài của phần mũi chứa các lưỡi cắt ren.
Vật liệu tương tự như các loại mũi khác, mũi taro hệ Inch cũng được chế tạo từ vật liệu thép gió (HSS) hoặc Carbide là các loại vật liệu phổ biến được sử dụng trên các dụng cụ gia công, có chất lượng bền bỉ, chống mài mòn và độ cứng vững cao.
Ứng dụng của mũi taro thẳng là vô cùng rộng rãi để tạo ra các loại lỗ ren với kích thước ren sử dụng hệ đo lường đơn vị inch trong các quá trình sản xuất, gia công kim loại cho các ngành công nghiệp có liên quan đến lắp ráp, sửa chữa, công trình xây dựng hoặc dân dụng.